ANZ cho rằng kinh tế VN đã chạm đáy và sự phục hồi sẽ tiếp diễn trong giai đoạn 2015 và 2016
Theo ngân hàng ANZ, cơ chế truyền dẫn của một nền kinh tế phục hồi vững chắc thể hiện rất rõ niềm tin người tiêu dùng. Nền sản xuất công nghiệp và chỉ số sản xuất PMI đang tăng cao ở VN cũng như sản lượng đầu ra bền vững hơn sẽ sớm đem lại thu nhập và tình trạng có việc làm cao hơn.
Theo phân tích của ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng, ANZ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ-Roy Morgan duy trì ở mức 140.2 điểm trong tháng 5. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng VN vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn là 135.2 điểm.
Xét về tình hình tài chính cá nhân hiện tại, 36% (tăng 1%) người tiêu dùng VN cho rằng tình hình tài chính gia đình họ hiện tại “tốt hơn” năm trước, so với 18% (giảm 1%) cho biết tình hình tài chính gia đình họ “xấu hơn” (mức thấp nhất cho chỉ số này trong hơn 1 năm qua, kể từ tháng 3/2014). Niềm tin này tiếp tục được duy trì khi có 53% người tiêu dùng cho rằng tình hình tài chính VN sẽ ở “trạng thái tốt” trong vòng 12 tháng tới. Với những phân tích trên, ANZ cho rằng VN đang trở thành nền kinh tế hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Không chỉ ANZ có cái nhìn lạc quan về nền kinh tế VN, gần đây các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế cũng đều đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ. Còn nhớ cách đây vài tháng, Ngân hàng HSBC cũng đã công bố Chỉ số quản lý sức mua (PMI) ở mức 52,7 điểm. Đây là mức tăng cao nhất trong khoảng 1 năm trở lại đây. Ngân hàng này cho rằng, PMI ở trên mức 50 điểm chứng tỏ các DN tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất và kinh doanh. Mặc dù có chững lại vào thời điểm giữa năm, nhưng ngành công nghiệp VN đã có một năm 2014 thành công. Tốc độ tăng trưởng thực tế trong lĩnh vực công nghiệp đạt 7,1%, tăng đáng kể so với mức 5,4% năm 2013. Ngành nông nghiệp cũng tăng trưởng mạnh trong năm qua, đạt mức 3,5% so với 2,6% của năm 2013.
Cùng quan điểm với HSBC, ANZ, gần đây ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại VN cũng cho rằng, VN đã đạt và duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong 3 năm qua. Một số tổ chức xếp hạng quốc tế đã công nhận thành tựu này và nâng hạng tín nhiệm đối với VN.
“Theo tôi, việc cần nhất bây giờ chính là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách cần tạo điều kiện để tăng trưởng đạt tới tiềm năng, tức là phải cao hơn mức tăng trưởng hiện tại. Sản xuất trong nước cũng cần đóng góp mạnh hơn cho tăng trưởng”, ông Sanjay Kalra cho biết.
Còn trong bản báo cáo mới nhất của Bộ KHĐT vừa công bố cũng cho biết, các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 tiếp tục ghi nhận sự hồi phục của nền kinh tế, trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 7,5%, tính chung 5 tháng tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Quốc Anh